Lượt xem: 1805

Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam - chuyện giờ mới kể

Ngày 02 và 05/8/1964 là Ngày Truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc. Câu chuyện về trận đánh tàu địch trên sông Lạch Trường Thanh Hóa được kể lại qua hồi ức của nguyên Phó Đô đốc, Tư lệnh Hải quân - Đỗ Xuân Công và đại tá Hoàng Kim Nông - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), trong niềm tự hào trân trọng.

    Chặt đứt xích neo, rời bến khẩn cấp

    Cho đến bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi bộ đội Hải quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ cút khỏi vùng biển miền Bắc, những chiến sĩ hải quân chiến đấu trên con tàu 161 ngày ấy giờ đây đã trở thành “người lính già”, nhưng ký ức về trận đầu vang dội thì như mới hôm qua. Một trong những người lính già ấy là Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công - nguyên Tư lệnh Hải quân - người chiến sĩ hàng hải được coi là “sinh tử” giữa đạn bom thời chiến trận.


Chiến sĩ hàng hải Đỗ Xuân Công, chiến đấu trên con tàu 161 trong trận chiến đấu ngày 5.8.1964. (Tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu lữ đoàn 171)

    Được hỏi về ký ức về trận đánh lịch sử ngày 05-8-1964 của Hải quân Việt Nam. Tại nhà riêng của ông ở thành phố Hồ Chí Minh, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công thực sự xúc động khi kể lại những ngày hoa lửa trên chiến trường sông biển.

    “Hồi đó tôi là binh nhất, tiểu đội trưởng hàng hải (lái chính) của tàu tuần tiễu T-161, thuộc Phân đội 5, Khu tuần phòng 2 Hải quân. Lúc đó tàu đang neo đậu tại cảng sông Gianh, Quảng Bình để tiếp nhận nhiên liệu, đạn dược và lương thực thực phẩm. Khoảng 12 giờ 15 phút, bỗng tiếng kẻng báo động vang lên. Các tàu đồng loạt kéo còi báo động phòng không làm rung động cả một dòng sông. Tôi đang vác quả bom chìm nặng khoảng 30kg, chạy vội về tàu đặt vào giá cố định thì nghe tiếng hô đanh gọn của thuyền trưởng Nguyễn Duy Khiêm “Rời bến khẩn cấp” - ông Công bắt đầu kể lại.

    Lệnh “Rời bến khẩn cấp” của thuyền trưởng Khiêm vừa dứt, ông nhảy vọt lên đài chỉ huy cùng các chiến sĩ chặt đứt neo để tàu rời bến khẩn cấp, sau đó ông trở lại vị trí lái tàu.  Những tốp máy bay B52 của Mỹ lượn trên bầu trời bắt đầu thả bom xuống dòng sông Gianh, hòng đánh phá tàu Hải quân của ta đang neo đậu, ẩn nấp tại các vị trí; đồng thời, hòng hủy diệt những “rái biển” đang âm thầm ngụp lặn trinh sát dưới dòng sông. “Những loạt bom của Mỹ nhằm vào cầu cảng ven bờ và những mục tiêu tàu thuyền đang neo đậu. Tôi cho tàu tăng tốc hết cỡ, vừa lái tàu vừa chiến đấu. Để tránh được những loạt bom của Mỹ, tàu T-161 phải “luồn lách” vào những ô sú vẹt ẩn nấp. Có những quả bom Mỹ thả chỉ cách tàu 50 mét. Cột nước biển đổ ập mạn tàu, nhưng kỳ diệu là tàu vẫn bình an, anh em vẫn dũng cảm chiến đấu. Cuộc chiến đấu khoảng 20 phút. Các phân đội 5, 6, 7 của Khu tuần phòng 2 cùng với tàu của hải quân đã bắn cháy bắn cháy 1 máy bay rơi xuống biển phía Đông Nam cửa sông Gianh và bắn bị thương 1 chiếc khác. Chiều hôm đó, máy bay Mỹ tiếp tục quần thảo nhưng bị pháo của ta bắn trả ngăn chặn nên chúng rút về căn cứ”, Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công hồi tưởng lại.

    Ông hướng ánh mắt nhìn lên tấm ảnh chụp thời khoác áo chiến sĩ, giọng nguyên  tự hào: “Tấm ảnh này chụp lúc tôi mang quân hàm Hạ sĩ lái tàu T-161. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ nhất của đời lính biển. Thời hoa lửa qua rồi, nhưng khí thế chiến đấu thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua”.

    Còn tàu còn chiến đấu

    Một trong những Anh hùng LLVTND được coi là “rái biển” trên chiến trường sông nước trong suốt những năm đánh máy bay Mỹ tại Nghệ An của trận thắng đầu ngày ấy là Anh hùng LLVTND - Đại tá Hoàng Kim Nông.


Khẩu đội đại liên mặt đất của Công an vũ tràn tỉnh Quảng Bình bắn rơi máy bay Mỹ sáng 5.8.1964, ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu Lữ đoàn 171.

    Sau hơn 40 năm gắn bó với đời quân ngũ, đại tá Nông về sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ ngày ông khoác áo chiến sĩ trên con tàu 187 cùng đồng đội chiến đấu ở Hòn Ngư, Nghệ An 56 năm trước. “Lúc đó mình là chiến sĩ hàng hải của tàu. Nhưng khi chiến đấu thì sẵn sàng tiếp đạn cho pháo thủ. Lúc đó chiến đấu hăng hái lắm. Luôn sẵn sàng hy sinh” - vị đại tá bắt đầu câu chuyện.

    Câu chuyện cụ thể như thế nào thưa ông? Không trả lời tôi, vị đại tá lặng lẽ vào buồng trong cầm ra tập album đựng nhiều tấm ảnh đen trắng và lần mở tìm kiếm. Dừng lại tấm ảnh có hình con tàu 187, ông bảo: “Bằng chứng còn đây, đó là những tháng ngày đẹp nhất. Ngày 05/8/1964, tàu 187 chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tại Hòn Ngư, Nghệ An. Thuyền trưởng lúc đó là anh Lê Văn Tiếu. Lúc 12 giờ 20 phút, chúng tôi đang nghỉ trưa thì bỗng nghe tiếng kẻng liên thanh báo động. Lệnh anh Tiếu từ đài chỉ huy hô to: “Toàn tàu báo động chiến đấu. Các vị trí khẩn trương triển khai đội hình”. Tôi nghe xung quanh tiếng bom địch dội ầm ầm. Trên bầu trời lúc đó xuất hiện một tốp máy bay địch bổ nhào ném bom. Tình huống quá bất ngờ và nguy hiểm. Nhanh như cắt, chúng tôi nổ súng ngay. Nói thật, lúc đó mình không bắn nó, nó bắn mình. Nhiều chiến sĩ quyết tâm giữ vững trận địa, không rời vị trí chiến đấu dù bị thương nặng ngay trên tàu”.

    Đại tá Nông dừng lại giây lát để kìm xúc động. “Lúc đó bom Mỹ dội xuống dầy mặt biển Hòn Ngư. Anh Tiếu bị thương, máu chảy đầm đìa tay phải. Để lái tàu, anh ấy đã dùng băng treo tay phải lên trước ngực, tay trái cầm điều khiển tàu luồn lách, tránh bom địch. Anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

    Cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối

    Phút giây xúc động chen lẫn niềm kiêu hãnh khiến đại tá Nông nghẹn lại. Ông nhấp thêm ngụm trà nóng rồi bảo: “Mỗi lần nhắc về đồng đội cũ lại thấy thương nhớ quá. Hơn nửa thế kỷ rồi, những ký ức ngày ấy vẫn vẹn nguyên, chưa hề phai nhạt”.

    Đoạn, ông kể tiếp. Khi ấy, ông làm nhiệm vụ tiếp đạn cho vị trí pháo số 3 phía trước. Trước những đợt bom, pháo đầu tiên của địch, thuyền trưởng Lê Xuân Tiếu vừa cho tàu chạy linh hoạt tránh bom, vừa hô hào anh em giữ vững vị trí. Nhưng sang đến đợt thứ hai, đài chỉ huy tàu bị một quả tên lửa của địch bắn trúng. Rồi quả tên lửa nữa nhè đúng khoang máy của tàu 187 bắn. Đường ống dầu bục ra, bén lửa cháy bùng bùng. Thượng sĩ Cao Viết Thao - cơ điện trưởng, vội ôm bình cứu hỏa nhảy xuống. Toàn thân Thao như bó đuốc xông vào bịt được lỗ thủng ống dầu cứu nguy cho cả con tàu. “Trận chiến mỗi lúc một ác liệt. Anh Đoàn Bá Ký lúc đó giữ chức chính trị viên tàu 187, chạy đi chạy lại như con thoi động viên anh em. Anh vỗ vai tôi, cậu lính trẻ mới tuổi 19, bình tĩnh nhé. Anh vừa dứt lời, tôi như nghe tiếng đổ ịch đằng sau. Anh trúng đạn mất rồi. Mắt anh vẫn mở nhưng nước mắt đã trào ra. Môi anh mấp máy như muốn nói điều gì. Tôi ghé sát tai anh mà không sao nghe được. Tôi tin, anh đang nhắc anh em hãy cố gắng giữ tàu”.


Đại tá Hoàng Kim Nông (thứ hai từ phải sang) gặp lại đồng đội cũ tại Lữ đoàn tàu săn ngầm 171, ảnh Mai Thắng

    Trận chiến đấu tiếp tục diễn ra như thế nào thưa ông? Tôi hỏi tiếp.

    Đại tá Nông nhìn ra khoảng sân trước nhà và tiếp tục câu chuyện: “Sau đó, chợt một tiếng nổ chớp lòe. Cả đội hình pháo chúng tôi bị hất văng. Bằng, Thuận hy sinh. Hy, Bê bị thương nặng. Còn tôi bất tỉnh. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm gọn trong gầm bệ pháo, toàn thân đầy máu, quần áo rách tươm. Chiến sĩ ra đa Nguyễn Thanh Hải hỏi tôi “Mày có việc gì không?”. Tình huống cực kỳ bi thương. Phía bên kia mạn tàu, chiến sĩ Thiệp một tay ôm trán giàn giụa máu, một tay liên tục siết cò, cả người tì vào bệ pháo. Băng vết thương cho Thiệp xong, tôi lên buồng lái ôm vô lăng điều khiển tàu thay cho chiến sĩ Cẩn cũng vừa bị thương đổ gục. Lúc này chiến sĩ rađar Nguyễn Thanh Hải bị trúng bom nằm gần bệ pháo. Chúng tôi đỡ anh lên, chỉ còn nghe được tiếng thều thào: “Dựng tôi dậy cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối rồi nhắm mắt ra đi”.

    Giọng đại tá Nông nghẹn lại, chùng xuống. 56 năm trước, ông khóc để tiễn đưa đồng đội trên tàu. Và hôm nay, sau 56 năm, giọt nước mắt của người anh hùng đặc công nước thêm một lần nữa khóc thương cho những đồng đội thân yêu. Giọt nước mắt xen lẫn nỗi đau và niềm kiêu hãnh./.

Mai Thắng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 6153
  • Trong tuần: 76,860
  • Tất cả: 11,800,180